“Biết cách trở thành tắc kè hoa, nghĩa là thích ứng với từng môi trường làm việc cụ thể. Phương thức này chính là cách giúp sinh viên sàng lọc và tìm kiếm công việc như mong muốn.”
Đây là lời chia sẻ thẳng thắn và khá dí dỏm từ anh Phạm Hùng Phi, hiện đang là Trưởng phòng Sản Xuất Chương Trình- Công ty Cổ Phần Truyền Thông Logistic Việt Nam.
Chào anh Phi! Lời đầu First-Viec-Lam cảm ơn anh đã dành thời gian để First-Viec-Lam có cuộc trao đổi cởi mở nhằm giúp sinh viên lựa chọn hướng đi khởi nghiệp vững vàng hơn trên con đường tương lai phía trước.
Hỏi: Đứng ở khía cạnh khách quan và chủ quan, anh đưa ra đánh giá như thế nào về khả năng tư duy, giải quyết vấn đề và giao tiếp của sinh viên Việt Nam hiện nay?
Đáp: Trên cương vị là một trưởng phòng sản xuất chương trình, ở khía cạnh khách quan, tôi đòi hỏi rất khắc khe về kỹ năng mềm của sinh viên, nghĩa là khả năng tư duy, suy luận logic, giải quyết vấn đề và nhất là cách giao tiếp của sinh viên . Bạn phải luôn trong tâm thế tự mình rèn luyện những phẩm chất ấy, đừng trông chờ ai đó sẽ làm thay giúp bạn, hoặc cũng đừng bao giờ trì hoãn chúng vì những lý do biện minh khác. Không quá khó để học những kỹ năng đấy, bạn có thể học chúng từ trường học, qua các bài thuyết trình nhóm; thông qua bạn bè, bạn học cách mở rộng mối quan hệ xã hội.
Còn đứng ở khía cạnh chủ quan, tôi luôn có niềm tin về thế hệ sinh viên Việt Nam, vì các bạn có tràn đầy sức trẻ, khả năng hòa nhập và tiếp thu tốt . Tôi tin rằng chỉ cần bạn xây dựng cho bản thân lòng quyết tâm, chắc chắn những điều này chính là điều kiện cần tiên quyết mà bạn phải trau dồi tích cực hơn nữa trong thời gian tới.
Hỏi: Đặt trong vai trò anh là nhà tuyển dụng, điều kiện đầu tiên mà anh yêu cầu ở ứng viên là gì?
Đáp : Xét về mặt bằng chung, sinh viên tốt nghiệp hệ Đại học đều có nền tảng kiến thức khá ổn, tôi đánh giá rất cao về trình độ học vấn của sinh viên Việt Nam. Họ thực sự chăm chỉ và miệt mài học tập, tôi cảm thấy tự hào về sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đặt trong vai trò là nhà tuyển dụng, điều kiện đầu tiên tôi cần ở ứng viên của mình đó là sự thích nghi.
Tôi có thể ví von rằng sinh viên nên biết cách trở thành tắc kè hoa, nghĩa là biết cách thích ứng với từng công việc và môi trường văn hóa cụ thể. Tôi đơn cử khối ngành kinh tế là Quản trị kinh doanh cần nhất về tố chất này, còn ngành xã hội, đơn cử như ngành Báo chí. Bạn phải biết cách hòa nhập, thích nghi với từng cá nhân, từng môi trường, dù muốn dù không để đạt hiệu quả công việc, bạn phải khôn ngoan trở thành tắc kè hoa.
Hỏi: Thang điểm % của anh như thế nào về : kiến thức chuyên môn, thái độ, kỹ năng?
Đáp: Tôi chọn thái độ đạt 65%
Kiến thức chuyên môn 5%
30 % còn lại tôi dành cho kỹ năng.
Theo tôi, tự bản thân sinh viên phải chọn lựa cho mình thái độ làm việc phù hợp với môi trường làm việc của doanh nghiệp, cần phải chuẩn bị một tâm lý thật vững vàng, xem thất bại như điều kiện để học hỏi và sữa chữa sai lầm. Vì vậy, tiêu chí tôi đánh giá về thái độ đạt mức 65%.
Hỏi: Trong trường hợp, sinh viên tốt nghiệp một ngành, nhưng trên thực tế họ lại làm việc trái ngành. Như vậy, các sinh viên phải tốn nhiều thời gian học lại từ đầu. Anh đánh giá và nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Đáp: Rất nhiều sinh viên lựa chọn ngành học nhưng ra trường lại theo ngành nghề khác. Theo bản thân tôi nghĩ làm việc trái ngành là một điều hoàn toàn bình thường, thậm chí đôi khi những kiến thức của ngành học trái đó lại được bạn bổ sung một cách nhuần nhuyễn vào công việc mà bạn đang theo đuổi.
Tôi tin chắc rằng chính vì bạn đam mê bạn mới dấn thân vào nghề, việc tốn thời gian để học lại từ đầu theo bản thân tôi nghĩ là cách nghĩ chưa hoàn toàn đúng, vì khi bạn tốt nghiệp đại học không có nghĩa là việc học của bạn dừng lại, học là một quá trình xuyên suốt và kéo dài. Vì vậy, bạn phải tự xây dựng cho bản thân niềm say mê học hỏi, nên dẹp bỏ suy nghĩ “ phải mệt mỏi bắt đầu lại từ đầu”. Thành công nào cũng vậy, bạn đều phải trả phí để học hỏi, để trải nghiệm. Một điều duy nhất tôi khuyên bạn đó là nên biết tận dụng sức trẻ của bản thân để cố gắng học hỏi từng ngày, đừng lãng phí để sau này phải hối tiếc về bất cứ điều gì.
Hỏi: Sinh viên Việt Nam nhiều hoài bão và lý tưởng. Tuy nhiên khi gặp một vài thất bại ban đầu họ thường mang tâm trạng hụt hẫng. Anh có thể đưa ra lời khuyên giúp sinh viên vực dậy tinh thần?
Đáp: Đây là giai đoạn mà hầu hết các bạn sinh viên tốt nghiệp Đại học đều tìm kiếm cho mình nghề nghiệp công việc khác nhau. Doanh nghiệp có cơ hội tìm được ứng viên thích hợp với từng vị trí tuyển dụng, về phía sinh viên họ sẽ học được nhiều trải nghiệm đáng quý, tuy nhiên nếu không giữ vững lòng tin, sinh viên dễ rơi vào tâm lý chán nản, vì nhận ra môi trường làm việc hoàn toàn khác với môi trường giảng đường đại học.
Đây là giai đoạn mà hầu hết sinh viên tìm việc rất khó khăn vì nền kinh tế đang trong giai đoạn nhiều biến động, trúng tuyển hay chưa trúng tuyển đều mang cho sinh viên nhiều tâm lý bất an khác nhau. Sinh viên phải thích ứng với một môi trường làm việc mới, buộc lòng các bạn phải hòa mình vào dòng chảy chung, rất nhiều những bỡ ngỡ ban đầu, nếu không biết cách vượt qua chắc chẳn sẽ khiến các bạn cảm thấy mệt mỏi.
Đối với những sinh viên hiện tại chưa tìm được một việc làm thích hợp, các bạn nên nhẫn nại, đừng tự trách bản thân, vì ngoài năng lực là điều kiện cần để tìm kiếm một công việc như ý thì còn yếu tố khách quan là môi trường văn hóa công ty, cắt giảm nhân lực ở một vài doanh nghiệp cũng là những nguyên nhân quan trọng không kém . Hãy tận dụng khoảng thời gian chờ để tự học, bổ sung thêm các kiến thức như thuyết trình, giao tiếp thông qua các khóa học ngắn hạn.
Chúc các bạn sinh viên vững tin trên con đường tương lai phía trước