Xin chào anh chị và các bạn,
Không phải ai cũng là người có năng khiếu để nói trước đám đông và bản thân tôi cũng vậy, cách đây hơn 10 năm, khi tôi vừa tốt nghiệp đại học, bước chân vào môi trường doanh nghiệp, tôi là người nhút nhát. Khi đó cứ nghĩ đến việc phải phát biểu trong cuộc họp là tôi đã cảm giác khó chịu và căng thẳng. Trải qua nhiều vị trí quản lý, phải đương đầu với nhiều cuộc họp lớn cũng như phải phát biểu trước đám đông đôi khi lên đến vài trăm người, dần dần sự nhút nhát của tôi cũng được cải thiện, nhưng thành công không phải là tự nhiên…
Không cần nhiều "chiêu trò”, thầy tôi chỉ dạy tôi 3 điều để thành công khi nói chuyện truớc đám đông…
Có lạ quá không khi rất nhiều lớp học về nói chuyện trước đám đông khuyên bạn không được nghĩ đến nỗi sợ mà hãy nghĩ đến việc khác… thầy tôi khuyên tôi rất khác, ông cho rằng bạn cần đối mặt với nỗi sợ, chỉ có như vậy, bạn mới thấy rằng thật ra không có một nỗi sợ thật sự nào cả. Đây là cách mà tôi cho rằng khiến bạn HẾT SỢ từ căn nguyên của vấn đề. Các bước để xác định và lọai nỗi sợ:
+ Xác định rõ bạn sợ điều gì khi đứng trước đám đông:
Bạn sợ bị cười nhạo? bạn sợ người ta đánh giá vẻ ngòai của bạn, bạn sợ giọng bạn không hay? bạn sợ… Bước đầu tiên: viết ra điều bạn sợ.
+ Xác định liệu nỗi sợ mà bạn nghĩ có thật không?
Dù bạn có rất nhiều nỗi sợ khi đứng trước đám đông, nhưng liệu nó có phải là nỗi sợ thật sự hay chỉ là do bạn tưởng tượng? Hãy xác định lại thật kỹ và chọn nỗi sợ thật sự mà bạn cho là căn nguyên của nỗi sợ.
+ Lập kế họach đương đầu với nỗi sợ
Dù đó là điều gì thì đều có cách để giải quyết. Lên một kế họach cụ thể để giải quyết nỗi sợ này. Nếu bạn sợ giọng bạn không thuyết phục, hãy tập luyện giọng, nếu bạn sợ ngọai hình của mình, hãy mua cho mình một bộ cánh khiến bạn đủ tự tin… hãy giải quyết ngay điều bạn lo sợ bằng một hành động cụ thể.
+ Đánh giá và khẳng định với bản thân là đã giải quyết được nỗi sợ
Bước này rất quan trọng, khi tôi thực hiện việc đánh giá và tự khẳng định "tôi đã hết sợ” thì dường như điều tôi sợ không còn tồn tại nữa. Một mặt nó đã được "xử lý” ở bước 2, một mặt tôi đã chuẩn bị đủ tinh thần để đương đầu với nó.
Khi đã xác định và giải quyết được điều gì làm bạn lo sợ, bước tiếp theo là bắt đầu chuẩn bị cho buổi nói chuyện.
Ôn lại bài thuyết trình không cần thiết là phải học thuộc lòng. Hãy vẽ một sơ đồ trình tự và các lập luận trên một mảnh giấy nhỏ và đưa nó và "đầu” của bạn. Một hình ảnh sẽ dễ dàng giúp bạn nhập tâm. Tôi thường viết trình tự logic của bài nói lên một mảnh giấy khổ nhỏ trên điện thọai Galaxy Note, sau đó dần đưa nó vào đầu của mình truớc buổi thuyết trình.
Khi bạn đạt đến kỹ năng chuyên nghiệp, bạn không còn cần phải tập luyện một cách vất vả. Chỉ cần làm bước này thật kỹ, khi nói trên thực tế, kết hợp với các kỹ năng khác của bạn, bạn sẽ làm chủ một cách hòan hảo bài nói với sự xúc tích và nghệ thuật.
Bạn nghĩ rằng các hiệu ứng trên Powerpoint thật chuyên nghiệp là tốt? các kỹ thuật phức tạp tạo cho bạn đẳng cấp? Cách đây hơn 10 năm, thầy tôi không dạy như vậy, và tôi vẫn áp dụng điều này cho đến ngày nay. Thầy tôi dạy rằng đừng phụ thuộc vào công nghệ, các hiệu ứng chỉ làm khán giả mất tập trung đến bạn (dù thời điểm đó không có quá nhiều công nghệ như hiện nay), chỉ cần dùng sức mạnh của tấm bảng và viên phấn (cây viết bảng).
Khi tôi áp dụng điều này, kết quả rất bất ngờ, mỗi lần tôi phác thảo nét bút đầu tiên trên bảng, cũng là lúc được mọi người chú ý. Việc viết lên bảng cũng giúp bạn và người theo dõi hiểu rõ hơn điều bạn muốn trình bày thông qua mô hình và bảng biểu. Bạn viết bằng tay, khán giả sẽ chú ý đến từng nét bút của bạn vì nó là điều rất riêng của bạn.
Thầy tôi chỉ dạy tôi 3 bí quyết trên và tôi đã áp dụng triệt để nó suốt hơn 10 năm qua mà vẫn không bị "lạc hậu”. Có thể những khóa học hiện nay tập trung quá nhiều vào các kỹ thuật, kỹ năng, nhưng tôi vẫn thấy 3 "tuyêt chiêu” trên là 3 chiêu hiệu quả nhất để thành công trong việc nói chuyện trước đám đông. Tôi có thể thành công phần nào khi nói trước đám đông từ một người nhút nhát, tại sao bạn lại không thể áp dụng?
Chúc các anh chị và các bạn thành công.