Giao tiếp, mặc dù là lĩnh vực khá quen thuộc và gắn bó với cuộc sống hàng ngày với mỗi người, tuy nhiên nếu đi sâu vào phân tích các kỹ năng giao tiếp thì lại bao hàm nhiều lĩnh vực rất rộng. Kỹ năng giao tiếp nói chung lại bao hàm nhiều kỹ năng nhỏ hơn như kỹ năng diễn đạt,
kỹ năng lắng nghe, kỹ năng đặt câu hỏi phù hợp, kỹ năng nhận biết tâm lý người đối diện, kỹ năng thể hiện ngôn ngữ cơ thể… Bài viết này sẽ phân tích một số kỹ năng quan trọng nhưng bạn ít để ý trong lĩnh vực giao tiếp để giao tiếp đạt hiệu quả.
Kỹ năng diễn đạt, chia sẻ, bày tỏ cảm xúc
Nghe có vẻ quá đỗi bình thường nhưng tiếc thay ngày nay, nhiều người đang mất đi khả năng này trong quá trình giao tiếp.
Kỹ năng diễn đạt suy nghĩ của mình một cách trôi chảy, lưu loát, và cao hơn nữa là làm cho nó trở nên lôi cuốn, hấp dẫn với người nghe. Nhiều người gặp trục trặc khi không thể kể lại một câu chuyện cho suôn sẻ, đúng trọng tâm vấn đề mà cứ diễn giải lan man, làm cho người nghe không thể nào nắm bắt được hết ý họ muốn nói. Để cải thiện kỹ năng này, bạn cần luyện tập với một cuốn sách. Đọc một đoạn hội thoại trong sách cho rõ ràng rồi thử viết ra một
đoạn tương tự để diễn đạt lại ý của đoạn văn trong sách. Sau đó tập diễn đạt thành lời cho trôi chảy. Mức độ phức tạp của đoạn văn sẽ từ dễ đến khó.
Việc bày tỏ cảm xúc hoặc kiềm chế cảm xúc cũng là một khuyết điểm trong giao tiếp của nhiều người. Bạn khó bày tỏ cho người đối diện biết bạn đang vui/buồn/thích thú/chán nản…thì quá trình giao tiếp sẽ gián đoạn và mối quan hệ sẽ kém bền chặt vì không có sự chia sẻ về mặt cảm xúc. Trái lại, việc không kiềm chế được cảm xúc và làm tổn thương đối tác sẽ dẫn đến nhiều rạn nứt về mặt tình cảm, trong một số trường hợp còn để lại hậu quả xấu về sau.
Kỹ năng nhận biết tâm lý người đối diện
Nhiều mối quan hệ, việc giao tiếp cần có sự thấu hiểu tâm lý giữa hai người thì mới tiến triển được, như bạn bè, người yêu, và gần gũi nhất là mối quan hệ trong phạm vi gia đình.
Biết được người đối diện đang nghĩ gì, tâm lý họ như thế nào, tính cách ra sao…để có cách nói chuyện phù hợp thì việc giao tiếp của bạn mới đạt hiệu quả được. Hãy tưởng tượng bạn có người yêu là một cô gái bướng bỉnh, cứng đầu. Bạn lại là người bảo thủ. Một hôm bạn thấy cô ấy mặc một chiếc váy không hợp ý bạn. Lúc này, nếu không tâm lý mà sỗ sàng chê bai, bắt ép cô ấy thay lại chiếc váy khác thì bạn có thể làm cô ấy giận hờn một thời gian dài đấy. Cách tốt nhất bạn cứ để cô ấy mặc và góp ý vào một lúc khác.
Hoặc trong mối quan hệ gia đình cũng vậy. Ba mẹ thường không hiểu tâm lý của con, mắng nạt con trước mặt người lạ, chê bai con, so sánh con với người khác…thì chúng sẽ nhanh chóng bị tổn thương, đâm ra chán ghét mà xa lánh ba mẹ. Đây là điều tồi tệ không có ba mẹ nào muốn.
Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể
Một khái niệm khá mới mẻ trong lĩnh vực giao tiếp nhưng lại khá quen thuộc với các nhà tâm lý học, và thực chất nó rất được chú trọng ở các nước phương Tây. Ngày nay, người ta tin rằng, hơn 55% thông điệp của lời nói đến từ ngôn ngữ cơ thể, nội dung lời nói chỉ chiếm 7% (38% còn lại là giọng điệu). Vậy thì việc luyện tập để có sự ăn khớp giữa lời nói và ngôn ngữ cơ thể là điều rất quan trọng để cải thiện kỹ năng giao tiếp của bạn.
Ngôn ngữ cơ thể, sở dĩ quan trọng như vậy vì các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, thông điệp thực sự con người muốn nói thể hiện ra rất nhiều ở cử động mắt, cơ mặt, chân, tay của một người – những nơi mà họ không hề kiểm soát được. Chúng ta có thể nói dối nhưng cái nhìn lảng tránh, các cơ mặt xìu xuống sẽ tiết lộ bạn đang không vui hay có điều gì muốn giấu diếm. Sự không ăn khớp như thế sẽ khiến cho bạn dễ bị cho là người giả dối, hoặc thông điệp truyền đi không đủ sức thuyết phục đến người nghe. Hãy chú ý điều này nhé!
Còn nhiều kỹ năng giao tiếp mà bạn cần luyện tập, tuy nhiên điều không thể thiếu trong mọi cuộc giao tiếp là sự chân thành từ chính bạn. Có sự chân thành, mọi ranh giới sẽ mờ nhạt hơn rất nhiều.