logo
Trang chủ » Kiến thức » Kiến thức Marketing

Google nâng cấp trang web săn người mua sắm

Google chuẩn bị nâng cấp trang web mua sắm của mình nhằm tăng cường sức cạnh tranh trong lĩnh vực mua sắm trên web. Với động thái này, Google muốn trở thành một đối thủ lớn hơn trong một thị trường đang bị thống trị bởi Amazon và eBay.


Google nâng cấp trang web săn người mua sắm

Google nâng cấp trang web săn người mua sắm


Google như một người nhàn tản bước vào thế giới thời trang với việc cho ra đời cửa hàng thời trang trực tuyến ở địa chỉ boutiques.com hôm 17-11. Với giới yêu thích thời trang nữ không có nhiều thời gian thì trang web là mảnh đất ảo đầy hấp dẫn với những thông tin phục vụ sở thích của họ (dù là trang này chỉ mới dành cho phụ nữ yêu thời trang ở Mỹ).

Những tính năng mới

Cụ thể là Google đang bổ sung thêm những tính năng mới vào một dịch vụ dành riêng cho người mua sắm, gọi là Google Product Search, với mục đích giúp việc tìm kiếm và so sánh loại sản phẩm mềm (quần áo, giầy dép, phụ trang…) trên mạng trở nên dễ dàng hơn. Đây là lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh trong thị trường thương mại điện tử trị giá 140 tỷ đô-la Mỹ.

Trong năm qua, Google đã cập nhật nhiều tính năng cho dịch vụ tìm kiếm sản phẩm của mình, như bổ sung những ý kiến đánh giá sản phẩm, sự xếp hạng của người sử dụng và mức độ sẵn có của sản phẩm tại các cửa hàng địa phương. Công ty cũng tung ra ứng dụng di động Google Shopper giúp người sử dụng nhận được nhiều thông tin hơn về mặt hàng họ thấy ở cửa hàng.

Công nghệ nhận dạng hình ảnh dùng để cung cấp những tính năng mới nói trên đến từ Like.com, một trang web so sánh mua sắm bị Google thâu tóm vào tháng Tám vừa qua với giá 100 triệu đô-la Mỹ. Like.com có một tính năng tìm kiếm trực quan, giúp người tiêu dùng tìm kiếm hàng hóa dựa trên màu sắc và các thuộc tính vật lý khác. Chẳng hạn như khi người sử dụng bấm vào tính năng "tìm kiếm trực quan” bên dưới một túi xách đã chọn, hàng chục chiếc túi có hình dạng và phong cách tương tự từ các trang web bán lẻ khác nhau sẽ được hiển thị.

Trong số những dịch vụ của Like.com có trang web thời trang ảo Couturious.com, nơi người sử dụng có thể tạo ra các trang phục trực tuyến và chia sẻ với bạn bè. Đây cũng là tính năng mà Google rất quan tâm và dự định tung ra trong thời gian tới. Tính năng này giúp Google có thêm dữ liệu về sự kết hợp trang phục của khách hàng để giúp họ có những trải nghiệm mua sắm tốt và dễ dàng hơn.

Một người quen thuộc với nội bộ của Google cho biết những thay đổi nói trên có thể được giới thiệu trên các dịch vụ mua sắm của Google vào cuối năm nay. Ông Sameer Samat, một giám đốc quản lý dự án của Google, từ chối nói về các kế hoạch cụ thể của dịch vụ mua sắm Google hoặc việc tích hợp công nghệ của Like.com vào công nghệ của công ty. Tuy nhiên, ông cho biết rất ấn tượng với kiến thức của Like.com trong lĩnh vực mua sắm hàng hóa mềm.

Thách thức từ hàng hóa mềm

Hàng hóa mềm mang lại một thách thức không nhỏ cho Google, Amazon và các trang web tương tự bởi việc tìm kiếm và đối chiếu loại hàng hóa này không dễ dàng chút nào. Công nghệ tìm kiếm trên những trang web nói trên thường không nhận biết được một số thuộc tính vật lý nhất định của hàng hóa mềm. Trái lại, tính năng tìm kiếm trực quan của Like.com hiển thị hàng chục sản phẩm có nhiều chi tiết tương tự nhau. Một thách thức khác đối với các trang web so sánh mua sắm là người mua sắm hàng hóa mềm có nhiều mối quan tâm hơn – như liệu một mẫu trang phục nào đó có thịnh hành hay không – so với hàng hóa cứng.

Google bước vào lĩnh vực tìm kiếm mua sắm vào năm 2002 với một trang web gọi là Froogle. Năm 2007, trang web được làm mới và đổi tên thành Google Product Search, hiện xuất hiện tại một số nước châu Á và châu Âu. Dịch vụ này đang ngày càng phổ biến sau khi thiết lập được quan hệ với hơn 200.000 nhà bán lẻ nội địa và quốc tế để cung cấp thông tin sản phẩm cho Google.

Trong quý 3-2010, Google Product Search xử lý 226 triệu cuộc truy vấn tìm kiếm, tăng 123% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo công ty nghiên cứu comScore Inc., con số này vẫn còn thua xa các đối thủ như Amazon và eBay. Chẳng hạn như eBay xử lý hơn hai tỷ cuộc truy vấn tìm kiếm trong quý 3-2010 trong khi con số này ở Amazon là 847 triệu.

Các nhà bán lẻ trả tiền cho Google để quảng cáo hàng hóa bên cạnh kết quả tìm kiếm trực tuyến. Một số nhà quảng cáo trả tiền mỗi khi có ai đó nhấp chuột vào quảng cáo. Những công ty khác trả hoa hồng cho mỗi mặt hàng được mua bởi khách hàng tìm thấy chúng thông qua các quảng cáo. Google từ chối đề cập về những thỏa thuận này. Tuy nhiên, ông Eric Best, Giám đốc điều hành công ty Mercent Corp chuyên giúp các nhà bán lẻ bán và tiếp thị sản phẩm thông qua Google, cho biết một số nhà bán lẻ phải trả tiền hoa hồng 9-12%.

 


Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Bạn phải click theo dõi
để comment face của bạn được lên đầu
Để comment nhiều người biết đến
Kiến thức đọc nhiều
Kiến thức tiếp theo
Hãy like face để theo dõi bài viết mới
vGing · Giới thiệu · Khách hàng · Tuyển dụng · Kiến thức · Liên hệ