logo
Trang chủ » Kiến thức » Kiến thức Marketing

Luật quảng cáo : Hoạt động quảng cáo

Chương II – HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO

Điều 6. Nội dung quảng cáo

1. Nội dung quảng cáo bao gồm thông tin quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ.

2. Thông tin quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Điều 7. Hình thức quảng cáo

1. Hình thức quảng cáolà sự thể hiện sản phẩm quảng cáo bằng tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, mầu sắc, ánh sáng, hình ảnh, hành động, âm thanh và các hình thức khác.

2. Hình thức quảng cáo phải rõ ràng, dễ hiểu, có tính thẩm mỹ.

3. Hình thức quảng cáo phải có dấu hiệu phân biệt những thông tin quảng cáo với những thông tin không phải là quảng cáo để không gây nhầm lẫn cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Điều 8. Tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo

1. Tiếng nói, chữ viết dùng trong quảng cáo là tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:

a) Từ ngữ đã được quốc tế hoá, thương hiệu hoặc từ ngữ không thay thế được bằng tiếng Việt;

b) Quảng cáo thông qua sách, báo, ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tiếng nước ngoài.

2. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì viết tiếng Việt trước, tiếp đến tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài và khổ chữ tiếng dân tộc thiểu số, khổ chữ tiếng nước ngoài không được lớn hơn khổ chữ tiếng Việt.

Điều 9.
Phương tiện quảng cáo

Phương tiện quảng cáo bao gồm:

1. Báo chí gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử;

2. Mạng thông tin máy tính;

3. Xuất bản phẩm gồm cả phim, ảnh, băng hình, đĩa hình, băng âm thanh, đĩa âm thanh;

4. Chương trình hoạt động văn hoá, thể thao;

5. Hội chợ, triển lãm;

6. Bảng, biển, pa-nô, băng-rôn, màn hình đặt nơi công cộng;

7. Vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước;

8. Phương tiện giao thông, vật thể di động khác;

9. Hàng hoá;

10. Các phương tiện quảng cáo khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Quảng cáo trên báo chí

1. Báo in được quảng cáo không quá 10% diện tích, trừ báo chuyên quảng cáo; mỗi đợt quảng cáo cho một sản phẩm quảng cáo không quá 5 ngày đối với báo hàng ngày hoặc 5 số liên tục đối với báo phát hành theo định kỳ; các đợt quảng cáo cách nhau ít nhất 5 ngày đối với báo hàng ngày hoặc ít nhất 4 số liên tục đối với báo phát hành theo định kỳ; không quảng cáo hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ trên trang một, bìa một.

2. Báo nói được quảng cáo không quá 5% thời lượng của chương trình, trừ kênh chuyên quảng cáo; mỗi đợt phát sóng đối với một sản phẩm quảng cáo không quá 8 ngày, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định; mỗi ngày không quá 10 lần; các đợt quảng cáo cách nhau ít nhất 5 ngày; không quảng cáo ngay sau nhạc hiệu, trong chương trình thời sự.

3. Báo hình được quảng cáo không quá 5% thời lượng của chương trình, trừ kênh chuyên quảng cáo; mỗi đợt phát sóng đối với một sản phẩm quảng cáo không quá 8 ngày, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định; mỗi ngày không quá 10 lần; các đợt quảng cáo cách nhau ít nhất 5 ngày; không quảng cáo ngay sau hình hiệu, trong chương trình thời sự.

4. Báo điện tử được quảng cáo như đối với báo in quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 11.
Quảng cáo trên mạng thông tin máy tính

Việc quảng cáo trên mạng thông tin máy tính phải được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo, dịch vụ truy nhập, dịch vụ kết nối và việc cung cấp các loại hình dịch vụ quảng cáo trên mạng thông tin máy tính; thực hiện các quy định về kỹ thuật, nghiệp vụ nhằm bảo đảm bí mật nhà nước.

Điều 12. Quảng cáo trên xuất bản phẩm

Việc quảng cáo trên xuất bản phẩm được thực hiện theo các quy định sau đây:

1. Chỉ được quảng cáo trên bìa vở học sinh những sản phẩm quảng cáo có nội dung phục vụ cho việc học tập;

2. Phim, băng hình, đĩa hình, băng âm thanh, đĩa âm thanh và các phương tiện ghi tin khác được quảng cáo không quá 5% thời lượng chương trình;

3. Không được quảng cáo hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ trên bìa một của các loại sách; không được quảng cáo trong sách giáo khoa, giáo trình, các tác phẩm chính trị;

4. Các quy định khác của pháp luật về xuất bản và các quy định của Pháp lệnh này.

Điều 13. Quảng cáo trong chương trình hoạt động văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm

Việc quảng cáo thông qua chương trình hoạt động văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, thể thao, hội chợ, triển lãm và các quy định của Pháp lệnh này.

Điều 14. Quảng cáo trên các phương tiện khác

Việc quảng cáo trên các phương tiện quy định tại các điểm 6, 7, 8 và 10 Điều 9 của Pháp lệnh này phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo, về quy hoạch đô thị và nông thôn, bảo đảm mỹ quan đô thị, cảnh quan, môi trường, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.

Điều 15. Điều kiện đối với quảng cáo hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ

1. Điều kiện quảng cáo đối với hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ được quy định như sau:

a) Quảng cáo hàng hoá thuộc danh mục phải kiểm tra về chất lượng hoặc thuộc danh mục phải có chứng nhận chất lượng phải có giấy chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá; trường hợp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá thì phải có văn bản tự công bố; trường hợp hàng hoá là đối tượng sở hữu trí tuệ thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ;

b) Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản;

c) Quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

d) Việc quảng cáo trên mạng thông tin máy tính; trên bảng, biển, pa-nô, băng-rôn, màn hình đặt nơi công cộng, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, phương tiện giao thông, vật thể di động khác phải có giấy phép thực hiện quảng cáo do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về Văn hoá – Thông tin cấp.

2. Người quảng cáo phải xuất trình các văn bản quy định tại khoản 1 Điều này cho người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo; người kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải xuất trình các văn bản quy định tại khoản 1 Điều này cho người phát hành quảng cáo.

Điều 16. Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép thực hiện quảng cáo

1. Bộ Văn hoá – Thông tin cấp giấy phép thực hiện quảng cáo trên mạng thông tin máy tính, kênh, chương trình phát thanh, kênh, chương trình truyền hình chuyên quảng cáo và đối với phụ trang, phụ bản chuyên quảng cáo.

2. Sở Văn hoá – Thông tin cấp giấy phép thực hiện quảng cáo trên bảng, biển, pa-nô, băng-rôn, màn hình đặt nơi công cộng, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, phương tiện giao thông, vật thể di động khác.

3. Bộ Văn hoá – Thông tin quy định cụ thể thủ tục cấp giấy phép thực hiện quảng cáo.

Điều 17. Hợp đồng dịch vụ quảng cáo

Việc thuê dịch vụ quảng cáo phải được xác lập bằng hợp đồng. Hợp đồng dịch vụ quảng cáo phải được lập thành văn bản có những nội dung sau đây:

1. Tên, địa chỉ các bên ký kết hợp đồng;

2. Hình thức, nội dung, phương tiện, sản phẩm quảng cáo;

3. Thời gian, địa điểm, phạm vi quảng cáo;

4. Phí dịch vụ, các chi phí khác có liên quan và phương thức thanh toán;

5. Quyền, nghĩa vụ của các bên;

6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

7. Các nội dung khác do các bên thoả thuận.


Theo luatquangcao

Bạn phải click theo dõi
để comment face của bạn được lên đầu
Để comment nhiều người biết đến
Kiến thức đọc nhiều
Kiến thức tiếp theo
Hãy like face để theo dõi bài viết mới
vGing · Giới thiệu · Khách hàng · Tuyển dụng · Kiến thức · Liên hệ