Bạn có phải là người thích nghi tốt với hoàn cảnh không? Đó luôn là câu hỏi dành cho chúng ta khi đi xin việc. Thậm chí, trước khi tốt nghiệp, sinh viên cũng thường đối mặt với vấn đề này. Bởi thế giới ngày càng biến động, những thay đổi bất ngờ nhất luôn xảy ra bất cứ lúc nào đòi hỏi chúng ta phải “kịp trở tay”
Khi đi du học:
Đây là lúc bạn bắt buộc phải thích nghi với hoàn cảnh mới một cách tích cực nhất. Bắt đầu với việc đối mặt với thời tiết thay đổi. Từ chỗ sống quanh năm dưới ánh nắng Sài Gòn, “đùng một cái” giá lạnh mùa đông thật khắc nghiệt sẽ làm bạn thật sự chốc và rơi vào trầm cảm. Đừng quá bi quan, chúng ta không phải ngoại lệ, những sinh viên ở xứ lạnh khi sang Việt Nam cũng rơi vào khó khăn tương tự khi phải chịu cảnh nóng bức, bụi bẩn và kẹt xe kinh niên. Vấn đề là trong khi chúng ta còn trùm chăn rên hừ hừ, những bạn trẻ nước ngoài đến Việt Nam chỉ mất vài tuần là có thể thích nghi khá tốt, phóng xe máy ào ào và “bụi đời” hơn bất cứ thanh niên bản xứ nào.
Ngoài thời tiết, khi du học, chúng ta còn gặp bao nhiêu thứ thay đổi khó chịu khác: thức ăn không hợp khẩu vị, phương pháp học quá độc lập, bạn bè quá xa cách, phương tiện giao thông xa lạ, các dịch vụ tự động hóa, tiếp xúc với con người ít hơn là tiếp xúc với máy móc… Tệ nhất là nạn phân biệt chủng tộc làm chúng ta luôn thấy lẻ loi và bị cô lập. Thế nhưng, khi người nước ngoài đến Việt Nam học tập, họ chỉ bị khó khăn trong một thời gian ngắn, sau đó chúng ta có thể thấy họ chủ động tìm cách thân thiện với sinh viên Việt Nam. Có người còn nếm các món khó nuốt như mắm tôm, sầu riêng, hột vịt lộn…
Khi đi làm:
Môi trường công sở là nơi “gian hồ hiểm ác, lòng người khó dò” nhất, bởi đây là nơi “đụng” đến miếng cơm manh áo, quyền lợi trực tiếp của chúng ta. Từ giảng đường Đại học bước chân vào công ty, không phải ai cũng có khả năng thích nghi sớm. Nào là nạn “ma cũ ăn hiếp ma mới”, rồi nếu chúng ta trực tính, thật khó chịu đựng những kẻ “nịnh thần”. Ngoài ra, dở thì bị chê, mà giỏi cũng không thoát những đố kị cay độc từ những tên “thượng đội hạ đạp”. Vậy người khác có lâm phải cảnh bối rối và lo sợ như ta không? Thật ra, không ai là không thấy e ngại mỗi khi vào công ty mới. Dù có kinh nghiệm “tép nhảy” qua bao công ty, dù khả năng thích ứng rất cao, trong thời gian đầu, ai cũng nên thận trọng và tìm cách thích nghi theo những “tiểu xảo” của riêng mình. Đơn giãn nhất là đi ăn cơm trưa chung, mời đồng nghiệp mới vài bữa ăn, rủ nhau đi shopping… Tội nhất là có nhiều người rất thân thiện nhưng không biết cách bày tỏ và khả năng thích nghi kém. Chưa kịp cho đồng nghiệp thấy mình “có lòng thành” thì đã bị dập “lên bờ xuống ruộng”.
Khi thay đổi môi trường làm việc:
Trong những công ty lớn, môi trường làm việc thường thay đổi do các sếp được luân chuyển theo nhiệm kỳ. Sếp bất ngờ chuyển đi sớm hơn thời hạn cũng thường xảy ra. Nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay, việc cắt giảm nhân lực diễn ra như cơm bữa. Ngày nào còn đi làm thì mừng, ngày nào bị gọi “cho lên đường” thì xách gói quả mướp ra đi. Có thể nói chưa bao giờ thế giới bất ổn như hiện nay. Những nhân viên cao cấp trong ngành tài chính ở phố Wall “dữ dằn” như thế, ngủ một đêm thức dậy tập đoàn Lehman Brothers tuyên bố phá sản phải đóng cửa.
Mấy trăm ngàn con người lâm vào cảnh thất nghiệp, đành tìm việc chỗ mới. Họ đi đâu khi ngành tài chính đang khủng hoảng? Dĩ nhiên là phải làm những việc cấp thấp, thậm chí là lao động tay chân, bán sức lao động cơ bắp. Khôi hài hơn, họ có thể trở thành những kẻ phải “thó” đồ như trong bộ phim “Fun with Dick and Jane” của danh hài Jim Carrey. Bộ phim nói lên những cảnh cùng cực khi bị mất việc. Trong tình trạng này, dù kiêu hãnh đến đâu, bạn bắt buộc phải thích nghi hoàn cảnh để sớm tìm việc mới hoặc cắt giảm chi tiêu tối đa. Bạn càng chần chừ không chịu thích nghi, tức là chấp nhận hoàn cảnh bi đát. Bạn càng bị khó khăn gấp bội do những kẻ khác đã kịp thích nghi nhanh hơn bạn.
Khi thay đổi môi trường sống:
Nếu bạn làm việc trong những công ty lớn có chi nhánh ở khắp thế giới. Một ngày nào đó sếp báo tin bạn được chọn sang Singapore làm việc. Bạn dám nhận lời không? Nếu người Việt Nam luôn chần chừ và e ngại khi được yêu cầu đổi môi trường làm việc. Người phương Tây luôn xem đó là một cơ hội để tích lũy thêm kinh nghiệm sống. Vì thế, thanh niên bên châu Âu luôn có những chương trình làm việc ở nước ngoài với mức lương thấp để học hỏi thêm. Trong công ty tôi luôn có những đồng nghiệp trẻ nước ngoài đến cùng làm việc. Họ xông xáo và hầu như “chẳng sợ con ma” nào. Những gì chưa biết thì họ hỏi, biết rồi họ tự tin làm việc của mình. Họ chạy xe máy hoặc đi xe bus đến công ty trong khi nhiều người Việt chưa từng đặt chân lên xe bus hoặc chỉ thích đi taxi mà thôi. Còn nếu bạn sang nước ngoài làm việc, gần nhất như Thái Lan hoặc Singapore, bạn có dám tự tin và dấn thân như họ không. Chắc là không. Bởi ít có người Việt nào được học những kỷ năng để thích nghi khi đi ra nước ngoài
Làm gì để thích nghi tốt với hoàn cảnh:
Vậy tóm lại, ta phải làm sao để thích nghi tốt với mọi hoàn cảnh. Ta phải làm sao để “không có gì để sợ” như người phương Tây? Không phải dễ, nhưng cũng không phải “mission impossible:
– Chuẩn bị tốt: Đây là một bước quan trọng để bạn có thể thích nghi. Nếu có sự chuẩn bị tốt, bạn sẽ tự tin hơn rất nhiều bởi bạn đã định vị mình ở đâu khi có sự thay đổi. Ví dụ khi sắp đi du học ở Anh, thành phố Birmingham, Đại học cùng tên. Bạn hãy lên Internet tìm hiểu thông tin (chương trình học, lý lịch các giáo sư, hệ thống ký túc xá, những chương trình ngoại khóa, các hoạt động cho giới trẻ, thời tiết, bản đồ thành phố, giao thông công cộng, giá cả các mặt hàng thiết yếu, địa chỉ những nơi giúp đỡ người nước ngoài…). Sau đó bạn hãy hệ thống tất cả thông tin theo một trật tự chỉ mình bạn hiểu rõ, bạn sẽ không mấy bối rối khi đến nơi. Khi đi du lịch cũng vậy, chịu khó lên mạng tìm thông tin trước khi đến nơi. Bạn sẽ thấy chuyến đi thú vị hơn vì đã được trang bị kỹ càng. Nếu có gặp trở ngại gì bạn cũng không mấy lúng túng để giải quyết. Khi đi làm cũng thế, bạn có nhiều cách để check thông tin, qua mạng, qua những người đã làm trong công ty đó.
– Có sẵn những kỷ năng: Có những kỷ năng bạn phải tự trang bị cho mình để dễ dàng thích nghi trong nhiều hoàn cảnh. Những kỷ năng này không thể một sớm một chiều có được mà phải được rèn luyện từ lúc nhỏ. Đó là lý do vì sao “tụi Tây” luôn tự tin hơn Việt Nam. Thứ nhất là ngoại ngữ. Làm chủ được ngôn ngữ, bạn đã làm chủ được tình hình. Phải học tiếng Anh và tiếng Pháp là hai ngôn ngữ chính. Sau đó, nếu có thể nên học tiếng Hoa. “Lận lưng” ba ngoại ngữ này thì đi đâu cũng bớt run.
Kế đến, quan trọng không kém là sức khỏe. Người có sức khỏe tốt chẳng biết sợ ai, nhất là nếu có đai đen một môn võ nào đó bạn có thể tự tin chẳng sợ ai “ăn hiếp”. Bạn cũng nên biết bơi lội, dù chỉ đủ để chòi đạp trước khi có người đến cứu. Trong những chuyến du lịch bụi bằng đường sông nước, tôi luôn thấy dân châu Á ngồi thu lu trong khoang, còn tụi Tây xốc vác leo tuốt lên mui ngắm sông nước. Họ chẳng bao giờ sợ vì 100% dân Tây đều biết bơi. Ngoài ra, dân Tây còn được học những kỷ năng của các hướng đạo sinh và từ nhỏ được khuyến khích tham gia những hoạt động ngoài trời, cắm trại, vào rừng, leo núi… Họ có những kỷ năng về lều trại, sơ cứu người bị thương, biết cách gọi S.O.S theo những tín hiệu quốc tế. Mấy ai trong chúng ta học được những thứ này? Ngày nay các hội hướng đạo sinh ở Việt Nam đang được tổ chức trở lại.
– Lắng nghe người đi trước: Đừng bao giờ xấu hổ khi tìm người tư vấn. Đừng bao giờ ngại người ta chê mình “nhà quê” khi đặt một câu hỏi nào đó. Không ai có khả năng biết tất cả. Mỗi người một lĩnh vực. Vì thế, hãy tìm người đi trước để hỏi thăm thông tin khi bạn gặp rắc rối cần phải vượt qua. Thích nghi với hoàn cảnh không có nghĩa là tự mình thoát ra mà cần phải hòa nhập với môi trường mới. Hãy giao tiếp nhiều dù tính bạn có nhút nhát và không thích đám đông. Khi lắng nghe ai đó, bạn học rất nhiều điều không ngờ đến.
– Năng động: Vì sao người Việt mình hay khen Tây năng động? Họ chẳng bao giờ ngồi một chỗ đòi được quan tâm. Ngay từ nhỏ họ đã phải độc lập trong suy nghĩ và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Họ chẳng bao giờ trách móc người khác vì họ là người ra quyết định cuối cùng. Còn chúng ta quen được gia đình nâng đỡ, cha mẹ vạch lối, thầy cô cầm tay. Gặp khó khăn gì cũng có người “chống lưng”. Mọi quyết định đều không dám “tự xử” mà luôn muốn có người “liên đới”.
Nhưng chúng ta quên một điều rằng dù sướng hay khổ, thì chính chúng ta là người chịu trực tiếp chứ không phải gia đình. Bạn hãy tập có những quyết định nhỏ trước tiên, sau đó tự tin dần dần có những quyết định quan trọng hơn. Bạn cũng nên tham khảo nhiều người và tự mình tìm thông tin để những quyết định của mình ít có nguy cơ sai lầm. Khi bạn đã là một người tự tin, bạn sẽ thích nghi rất tốt với mọi hoàn cảnh. Gặp khó khăn gì bạn cũng tự mình bình tĩnh và tìm cách giải quyết. Bạn sẽ không sợ sệt, không lúng túng vì “mẹ vắng nhà”, vì “ba ở xa”, vì “gia đình không ở quanh ta”.
– Uyển chuyển: Đây là một đức tính không phải ai cũng có. Chúng ta cần phải tập và quen với suy nghĩ trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Để làm được điều này, bạn nên làm gì cũng nên có phương án dự phòng. Ví dụ khi đi du học bạn định sẽ ở ký túc xá. Sang đến nơi ký túc xá hết chỗ. Bạn khóc lóc kêu trời? Nếu trước đó bạn có địa chỉ những nơi cho thuê nhà hoặc một vài địa chỉ phòng thân, bạn bình tĩnh hơn nhiều để tìm cách uyển chuyển giải quyết rắc rối. Chúng ta hãy học cách phòng thân trong mọi trường hợp và làm giảm tối đa những rủi ro sẽ gặp phải. Ngoài ra, nếu gặp phải những khó khăn quá bất ngờ, hãy uyển chuyển giải quyết theo thực tế, đừng cứng ngắc theo một thông tin nào có sẵn. Những người biết bình tĩnh và uyển chuyển sống theo thực tế luôn là những người có tỷ lệ thành công cao trong cuộc đời.