Chẳng hạn, ở Mỹ khách hàng gen Y (Generation Young) có quy mô 79 triệu người với sức mua 170 tỉ USD/năm. Cũng như các thế hệ đi trước, thế hệ Y có những đặc điểm riêng, đòi hỏi các nhà làm tiếp thị phải có những chiến lược và chiến thuật tiếp thị phù hợp, nhất là trong giai đoạn bùng nổ của internet và truyền thông xã hội.
Dave Hawley, Phó chủ tịch phụ trách tiếp thị của SocialChorus, một công ty cung cấp các giải pháp tiếp thị vận động (advocate marketing) đưa ra những lời khuyên sau đây giúp các doanh nghiệp tiếp thị hiệu quả khách hàng Y.
Nhiều nhà tiếp thị cho rằng nên đầu tư nhiều tiền cho quảng cáo và tiếp thị trực tuyến vì khách hàng thế hệ Y thường xuyên lên mạng internet. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát do SocialChorus thực hiện năm 2013 cho thấy chỉ có 6% khách hàng thế hệ Y tin tưởng vào quảng cáo trực tuyến truyền thống.
Trên thực tế, khách hàng thế hệ Y có khuynh hướng không quan tâm đến quảng cáo trực tuyến, một số thậm chí còn có biểu hiện "không thèm để ý” đến hình thức quảng cáo này. Vì vậy, Hawley khuyên các doanh nghiệp nên chuyển bớt ngân sách dành cho quảng cáo trực tuyến truyền thống sang các hình thức quảng cáo khác.
Một điểm khác biệt giữa khách hàng thế hệ Y và khách hàng thuộc các thế hệ trước là khách hàng thế hệ Y rất thích chia sẻ mọi thứ với bạn bè theo thời gian thực. Họ trưởng thành cùng với sự bùng nổ của truyền thông xã hội và muốn được cập nhật thông tin tức thời cùng với bạn bè, đồng nghiệp.
Hawley khuyên các nhãn hiệu nên khai thác thói quen này của khách hàng thế hệ Y bằng cách tạo cho họ những trải nghiệm tích cực để chia sẻ.
Một mẩu tin tốt về doanh nghiệp trên Facebook hay Twitter sẽ tạo ra sự hứng thú cho các thành viên của các mạng này và khiến họ muốn khuyến khích bạn bè dùng thử sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tạo ra những nội dung có tính giải trí cao để kích thích khách hàng thế hệ Y chia sẻ với cộng đồng của họ.
Theo khảo sát của SocialChorus, có đến 91% khách hàng thế hệ Y cho biết họ tin tưởng vào các khuyến nghị mua sản phẩm do bạn bè đưa ra. Vì vậy, doanh nghiệp nên khuyến khích kênh khách hàng giới thiệu cho khách hàng này, nhất là trên các mạng truyền thông xã hội.
Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng chia sẻ các trải nghiệm của họ và chủ động thu thập các nhận xét, phản hồi của khách hàng là những doanh nghiệp có thể biến khách hàng thành những sứ giả ủng hộ tích cực cho nhãn hiệu của mình.
Mặc dù thỉnh thoảng bị chỉ trích trên các phương tiện đại chúng là những người có xu hướng chỉ nghĩ đến bản thân và lợi ích cá nhân, nhưng thực tế đa số khách hàng thế hệ Y có ý thức xã hội và cộng đồng rất cao, sẵn sàng tham gia các hoạt động từ thiện hay vì các mục đích cao đẹp.
Họ luôn muốn gắn kết với những doanh nghiệp và nhãn hiệu có cùng những giá trị này.Họ quan tâm đến các vấn đề môi trường và xã hội, muốn tìm các cơ hội thay đổi thế giới bằng cách tự mình hành động và hỗ trợ những người xung quanh cùng hành động.
Trong bối cảnh kinh tế cũng như chính trị tại nhiều thị trường trên thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, khách hàng thế hệ Y đánh giá cao tính minh bạch trong các hoạt động và truyền thông của doanh nghiệp. Họ có khuynh hướng không tin tưởng những doanh nghiệp không đưa ra phản hồi nhanh cho khách hàng hay những công ty có những hoạt động bí mật.
Để giành được niềm tin của khách hàng thế hệ Y, doanh nghiệp nên gắn kết họ thông qua truyền thông xã hội và thường xuyên chia sẻ với họ các tin tức về doanh nghiệp.
Không giống với các thế hệ trước, có lẽ do phát triển cùng với thời đại internet, nên khách hàng thế hệ Y không quan tâm nhiều đến tính riêng tư và sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân để đổi lấy các chương trình khuyến mãi hay các ưu đãi hấp dẫn từ doanh nghiệp.
Điều này mở ra một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp thu thập, phân tích và ứng dụng các dữ liệu xã hội về khách hàng thế hệ Y, từ đó cải thiện trải nghiệm của họ và làm cho các chiến dịch tiếp thị thu được nhiều kết quả hơn.
vGing