Gần đây, trong kế hoạch tiếp thị của các công ty quảng cáo đã bắt đầu xuất hiện cụm từ "quảng cáo trong game” như một phương tiện đầy mới mẻ, hấp dẫn hứa hẹn đem lại hiệu quả cao bên cạnh các phương tiện quảng cáo truyền thống và quảng cáo online khác.
Thế nhưng, phương tiện này cho đến giờ hầu như mới chỉ dành cho các thương hiệu có tầm vóc quốc tế và số được sử dụng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Bùi Ngọc Quốc Hưng – Giám đốc bộ phận Dịch vụ quảng cáo Công ty VinaGame xung quanh vấn đề này.
Quảng cáo trong game được cho là khả năng đem lại nguồn thu rất lớn cho các nhà phát hành game, vậy ông có thể cho biết hiện nay VinaGame đã thu hút dịch vụ quảng cáo này như thế nào?
BNQH: VinaGame đã bắt đầu tirển khai các kế hoạch quảng cáo trong game. Trong đó, chúng tôi xây dựng nhiều hình thức và nhiều gói dịch vụ để khách hàng chọn lựa cho phù hợp với điều kiện thực tế cũng như đạt được hiệu quả cáo nhất.
Để tối ưu hoá lợi ích cho khách hàng, chúng tôi đã triển khai kế hoạch đưa các sản phẩm, dịch vụ của khách hàng hoà nhập một cách nhẹ nhàng vào trong game để việc quảng bá hình ảnh đến với người tiêu dùng thật tinh tế và thu hút. Về cơ bản, các khách hàng có thể tham gia vào các hình thức tài trợ sản phẩm cho game, lồng ghép sản phẩm vào các hoạt động, sự kiện trong game…
Quảng cáo trong game có gì hấp dẫn so với các loại hình quảng cáo online khác, thưa ông?
BNQH: Quảng cáo trong game được xem là một khái niệm mới tại thị trường Việt Nam, khi mà các hình thức quảng cáo truyền thống đang dần được bão hoà. Vì thế, các nhà marketing hiện nay đang tìm kiếm nhiều phương thức mới để tiếp thị hình ảnh của họ đến với người tiêu dùng. Trong đó quảng cáo trực tuyến được xem là một phương pháp tối ưu. Theo một số đánh giá không chính thức thì doanh thu của thị trường này trong năm 2006 là 64 tỉ VNĐ và sẽ tăng trưởng 100%, dự kiến đến năm 2010 doanh thu quảng cáo trực tuyến sẽ là hơn 300 tỉ VNĐ. Một trong các phương thức quảng cáo trực tuyến thông thường như đăng banner, quảng cáo thông qua các công cụ tiềm kiếm… thì việc quảng cáo trong game được giới chuyên gia phân tích thị trường nhận định có nhiều tiềm năng và hiệu quả hơn cả do yếu tố sở thích và gắn kết với game của giới trẻ cũng như đưa hình ảnh sản phẩm đến đúng với đối tượng khách hàng mục tiêu.
Hiệu quả như thế nhưng sao đến giờ, số lượng các doanh nghiệp lựa chọn loại hình quảng cáo này ở Việt Nam chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay?
BNQH: Nhìn chung, hiện nay thị trường quảng cáo trực tuyến vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan so với các nước trên thế giới, bên cạnh đó quảng cáo trong game vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, vấn đề chi phí là rào cản lớn đối với doanh nghiệp. Để thực hiện được một quảng cáo trong game cần phải có sự đầu tư tương đối lớn do đó chi phí cho loại hình này tối thiểu cũng phải là vài chục ngàn USD. Thêm nữa việc thực hiện cũng phải mất ít nhất vài tuần nên chỉ có những công ty lớn có chiến lược tiếp thị dài hơi và có kinh phí đầu tư lớn mới có thể sử dụng dịch vụ này. Đó là lý do hiện tại, thị trường Việt Nam còn khá bỡ ngỡ với hình thức quảng cáo trong game ngoại trừ một vài công ty có yếu tố nước ngoài.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn việc thu hút quảng cáo trong game đòi hỏi phải đầu tư như thế nào? Trong đó, những loại game nào sẽ hấp dẫn được các doanh nghiệp?
BNQH: Theo đánh giá của một số chuyên gia, thị trường quảng cáo trực tuyến là một thị trường tiềm năng và màu mỡ, tuy nhiên để khai thác tối ưu thì cần phải có một thời gian khá dài cả về kỹ thuật lẫn ý tưởng sáng tạo. Trong đó, quảng cáo trong game đòi hỏi cao yếu tố sáng tạo, làm sao sản phẩm của khách hàng khi vào trong game có thể hợp nhất, có như thế thì hiệu quả tiếp thị mới được đánh giá cao.
Để thực hiện việc quảng cáo trong gaem không phải chỉ đơn thuần là layout như các hình thức quảng cáo khác mà chúng tôi phải đánh giá yếu tố phù hợp của sản phẩm sao với nội dung game. Sau đjó, chúng tôi sẽ cho tiến hành thiết kế, lập trình và chỉnh sửa theo yêu cầu khách hàng. Do đó, chúng tôi đã phải cụ thể hoá từng gói dịch vụ giúp cho khách hàng nhận thấy được tính tương tác cao giữa game và đời sống hàng ngày trong các chiến dịch quảng cáo của họ.
Đối với việc lồng ghép quảng cáo trong game ngoài yếu tố kỹ thuật thì yếu tố tinh tế và sáng tạo chính là một phần quan trọng không thể thiếu. Xét về mặt kỹ thuật, ưu điểm của hình thức quảng cáo trong game online là có thể can thiệp và lồng ghép nội dung quảng cáo vào trong game, nhưng phải làm sao để đưa sản phẩm phù hợp với nội dung game thì không phải sản phẩm game trực tuyến nào cũng có thể đáp ứng được điều đó.
Theo đó, qua các sản phẩm game trực tuyến đã phát hành chúng tôi nhận thấy những thể loại game có tính tương tác cao với cuộc sống thường nhật thường là những loại game dễ lồng ghép sản phẩm, dịch vụ quảng cáo của khách hàng vào môi trường và ngược lại các hoạt động trong game cũng có thể tương tác trở lại xã hội tạo thành một trào lưu hay xu hướng mới đối với cộng đồng. Chẳng hạn như xu hướng thời trang từ trong game có thể ra ngoài cuộc sống thực là một ví dụ cụ thể minh chứng.
Tại sao ta không chia nhỏ các gói dịch vụ để các công ty nhỏ cũng có thể sử dụng hình thức này?
BNQH: Như đã nói, loại hình quảng cáo này cần phải có thời gian chuẩn bị và kinh phí đầu tư tương đối lớn nên với các chiến dịch quảng cáo nhỏ, ngắn hạn thì sẽ không bảo đảm về mặt thời gian. Bên cạnh đó, nếu hình ảnh thương hiệu xuất hiện quá nhỏ và với tần suất thấp cũng không đem lại hiệu quả cáo. Do đó, với những khách hàng có kinh phí thấp, chúng tôi vẫn khuyên họ nên chọn các loại hình quảng cáo trực tuyến thông thường.
Trong tương lai, khi trình độ kĩ thuật của ta phát triển hơn thì chi phí cho loại hình quảng cáo này sẽ có thể giảm không?
BNQH: Hiện tại, về kỹ thuật thì đội ngũ tại Việt Nam đã có thể làm được tất cả các loại hình quảng cáo trong game như các nước trên thế giới nên trong tương lại, kỹ thuật vẫn không có gì thay đổi do đó sẽ không có chuyện thay đổi chi phí.
Quảng cáo trong game có thể gặp những rủi ro gì, thưa ông?
BNQH: Trước tiên, quảng cáo trong game khó đo lường hiệu quả vì người ta không thể biết được người chơi có nhấp chuột vào mẫu quảng cáo hay không và có nhấp vào thì cũng không thể dẫn đến trang web của doanh nghiệp như các loại hình quảng cáo online thông thường khác. Bên cạnh đó, môt số rủi ro có thể có là nếu game nào đó "chết” thì xem như quảng cáo của thương hiệu trong game đó cũng "chết” theo hoặc game phát hành ra không nhận được sự ủng hộ của người chơi hay gặp phải sự cố thay đổi chính sách của cơ quan chức năng về game…Vì thế khách hàng nên chọn những đối tác lớn, có uy tín và có nhiều gói dịch vụ đa dạng vì không nên chọn dịch vụ trọn gói mà nên chọn từng gói dịch vụ riêng cho từng thời điểm để có thời gian và cơ hội xem xét, đáng giá hiệu quả hoặc có những điều khoản ràng buộc trong hợp đồng để đảm bảo lợi ích cho mình.
Chi phí cao, thị trường chưa thích ứng, rủi ro cũng không phải là nhỏ…Vậy ông nhận định như thế nào về triển vọng của quảng cáo trong game tại Việt Nam?
BNQH: Ngoài yếu tố nhận thức về thị trường thì đây là một dịch vụ cao cấp đòi hỏi khách hàng phải đầu tư kinh phí tương đối lớn nên theo tôi, cho dù có phát triển trong năm mười năm nữa thì loại hình quảng cáo này vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong quảng cáo online. Tuy nhiên, theo tôi đây vẫn là một xu hướng mới đầy triển vọng vì có nhiều ưu điểm như sản phẩm, thương hiệu của khách hàng sẽ được lưu lại trong tâm trí người chơi rất lâu. Do đó nếu có chiến lược quảng bá thương hiệu tốt khách hàng sẽ tạo ra được một trào lưu mới cho cộng đồng. Tôi tin rằng với sự sôi động của thị trường quảng cáo online và sự ra đời của một số game có tính tương tác cao với xã hội thì không bao lâu nữa hình thức "Quảng cáo trong game” sẽ sớm trở thành một chiến lược hữu hiệu dành cho các nhà quảng lý thương hiệu Việt Nam.