Ngày nay, mọi doanh nghiệp đều ý thức được tầm quan trọng của việc tạo dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng của mình, biến họ trở thành những khách hàng trung thành và đặc biệt hơn là trở thành những “phát ngôn viên” của công ty, tức là khách hàng đó sẽ tuyên truyền những thông điệp có lợi cho công ty tới những khách hàng khác.
Những thông tin theo kiểu truyền miệng luôn giúp công ty có được những khách hàng mới, cơ hội làm ăn mới. Chính vì vậy, các nhân viên rất cần có kĩ năng bán hàng để tiếp cận được với khách hàng cũng như bán được nhiều sản phẩm nhất có thể. Một trong những kĩ năng bán hàng hiệu quả nhất chính là kĩ năng bán hàng nhờ xây dựng mối quan hệ (Relationship Selling).
Bán hàng nhờ xây dựng mối quan hệ là việc xây dựng tình bạn, mối quan hệ với các khách hàng tiềm năng và lắng nghe để có thể đáp ứng được nhu cầu của họ. Một khi đã tạo dựng được những mối quan hệ như vậy, thể hiện được sự quan tâm và xây dựng được lòng tin đối với khách hàng, chứng tỏ được chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ , doanh nghiệp sẽ nắm chắc trong tay sự thành công.
Về các nhân viên bán hàng, họ là người trực tiếp giao tiếp với khách hàng nên việc có được thái độ tốt là vô cùng quan trọng. Một nhân viên luôn biết lắng nghe yêu cầu, cởi mở, trung thực sẽ luôn tạo được thiện cảm tốt với khách hàng, ngược lại khách hàng cũng luôn mong muốn được tiếp xúc với những nhân viên như vậy. Các doanh nghiệp nên nhớ rằng khách hàng không ngại bỏ thêm tiền nếu như họ được phục vụ tận tình, mọi vấn đề gặp phải đều được giải quyết nhanh chóng và quan trọng là khi họ đã có được mối quan hệ lâu dài với công ty thì chắc chắn sẽ không còn bị dao động trước những lời mời chào từ các đối thủ cạnh tranh của công ty.
Hầu hết khách hàng đều không thích phải chịu một áp lực nào khi mua hàng. Trong hình thức bán hàng nhờ xây dựng mối quan hệ, gây ra áp lực hay sức ép đối với khách hàng sẽ là không có lợi, bởi nhân viên bán hàng phải là người hỗ trợ cho khách hàng của mình. Chính vì vậy, mọi nhân viên nên tạo cho khách hàng cảm giác an tâm và tin tưởng ở sản phẩm và dịch vụ của công ty. Nhân viên chủ yếu đưa ra những lời gợi ý hay những câu hỏi mang tính định hướng cho khách hàng, giúp họ tự đưa ra quyết định chứ không bắt ép họ mua hàng.
Có thể thấy trong hình thức bán hàng này, bên cạnh việc tạo dựng các mối quan hệ, việc thường xuyên liên hệ với khách hàng, duy trì các kênh thông tin với khách hàng cũng là rất quan trọng. Để làm được điều này, các doanh nghiệp có thể nhờ đến sự hỗ trợ của công nghệ bằng cách áp dụng các phần mềm quản lý hay hệ thống quản trị quan hệ khách hàng (CRM). Đây chính là một phần mềm giúp các doanh nghiệp củng cố, cải thiện cũng như nâng cao mối quan hệ giữa nhân viên với các khách hàng, nắm bắt và phân tích các thông tin giúp đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Chắc chắn doanh nghiệp sẽ nhận ra ưu điểm của hình thức bán hàng này ngay cả khi hoạt động trong những lĩnh vực cạnh tranh nhất, khi chất lượng sản phẩm giữa các công ty không khác nhau là mấy thì chất lượng dịch vụ, khả năng xây dựng mối quan hệ với khách hàng sẽ là yếu tố quyết định.